Ngày 5/12 vừa qua, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 17 năm Internet vào Việt Nam tại TP.H CM. Đến dự có ông Lê Nam Thắng – Thứ trưởng Bộ TT-TT; ông Mai Liêm Trực – Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn Thông cùng nhiều lãnh đạo các bộ ban ngành và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực Viễn thông tại Việt Nam.
Ông Trần Bá Thái – Sáng lập viên, Chủ tịch HĐQT NetNam, người góp phần đặt viên gạch đầu tiên đưa Internet về Việt Nam
Hiện Việt Nam là một trong 20 quốc gia có số lượng người sử dụng Internet lớn nhất thế giới nhưng phần lớn các thế hệ người dung sau này còn ít biết đến lịch sử Internet tại Việt Nam. Cho đến tận bây giờ rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao ai là người đã đặt nền móng cho Internet tại Việt Nam và rất bất ngờ khi câu trả lời thuộc về NetNam, một công ty nhỏ nhưng lại lĩnh vai trò đặc biệt quan trọng của nhà tiên phong.
Khi lịch sử Internet Việt Nam mang dấu ấn NetNam
Năm 1991, Tiến sỹ Mai Liêm Trực lúc đó giữ vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, đơn vị vừa đóng vai trò quản lý nhà nước vừa cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông duy nhất ở Việt Nam có cơ hội được tham dự một hội nghị mang tầm quốc tế tại Mỹ và đã được giới thiệu về Internet. Với tầm nhìn của mình, tiến sĩ Trực xác định, đất nước sẽ không thể hội nhập và phát triển nếu không có Internet, thậm chí còn bị cô lập và trở nên tụt hậu.
Ở thời điểm này, ít ai có thể ngờ rằng một đơn vị nhỏ bé nằm trong Viện Khoa học Việt Nam lại chính là người lĩnh sứ mạng đưa Internet về Việt Nam, mang tên NetNam. Ông Trần Bá Thái, nguyên Giám đốc NetNam kể rằng, Việt Nam bắt đầu mở cửa từ những năm 90, nhưng trước đó Viện Khoa học Việt Nam đã có sự hợp tác quốc tế tương đối tốt. Nhiều cán bộ của Viện đã được đào tạo ở Đông Âu và cả Tây Âu từ những năm trước đó. Đây là lợi thế dẫn đến “cơ duyên” cho NetNam trở thành người tiên phong nghiên cứu về Internet tại Việt Nam.
“Năm 1992, chúng tôi may mắn được dự cuộc họp về Internet quốc tế lần 2 ở Kobe (Nhật Bản). Thời kỳ đó, Internet mới chỉ dừng lại trong giới khoa học và một số trường đại học của Mỹ và châu Âu. Ban đầu, chúng tôi nhìn nhận Internet như là hướng khoa học để tìm hiểu.
Đến năm 1992, chúng tôi đã kết nối với một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Quốc gia Úc để thử nghiệm Internet. Chúng tôi thử nghiệm với nhóm của ông Rob Hurle ở Trường Đại học Quốc gia Úc nhưng cả hai chưa từng gặp mặt mà chỉ nói chuyện qua điện thoại. Lúc đó chúng tôi tạo tài khoản và thử nghiệm với tên miền của Úc vì tên miền quốc gia của Việt Nam .vn chưa được đăng ký trên Internet. Địa chỉ email đầu tiên của chúng tôi lập ở Úc là hanoi@coombs.anu.edu.au. Địa chỉ này dùng như một thùng thư đầu mối cho toàn bộ email liên lạc giữa Việt Nam và thế giới. Mỗi người sử dụng ở Việt Nam được tạo một địa chỉ email mang tên miền Việt Nam theo dạng username@hanoi.ac.vn. Khi chuyển sang Úc, những địa chỉ này được gắn dưới coombs.anu.edu.au để thông thương quốc tế …” ông Trần Bá Thái nhớ lại. Nhóm kỹ thuật NetNam chính là đội quản lý hệ thống tên miền quốc gia .vn cho đến khi chuyển giao lại cho đơn vị quản lý nhà nước về tên miền (sau này là VNNIC) vào năm 1997, khi Internet chính thức vào Việt Nam.
Ông Trần Bá Thái và ông Rob Hurle.
Năm 2001, Tuần báo Á Châu (Asia Week) đã bình chọn ông Trần Bá Thái cùng hai người khác của Ấn Độ và Mông Cổ với danh hiệu Người hùng kỹ thuật số (Digital Revolutionaries) vì những nỗ lực tột bậc để đưa Internet đến với cộng đồng.
Danh sách 10 nhân vật có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Internet Việt Nam.
Email đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Tháng 4/1994, Giáo sư Đặng Hữu, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, đã giao cho nhóm kỹ thuật của Viện Công nghệ thông tin/NetNam thiết lập email để phục vụ cho chuyến viếng thăm của Thủ tướng Thụy Điển. “Hồi đó, để phục vụ cho việc thiết lập email cho Thủ tướng, chúng tôi phải tự tạo phương tiện làm việc cơ động: mua “trao tay” một chiếc laptop đơn sắc (đen trắng) đã qua sử dụng nặng 3- 4 kg của một Việt kiều ở Mỹ mang về” ông Trần Bá Thái kể lại.
Những năm đó, Internet vẫn là chuyện “tranh tối, tranh sáng” nên để có tên miền Việt Nam (.vn) Giáo sư Trần Văn Đắc, Thứ trưởng Bộ KHCN và Môi trường đã ký công văn nhưng không đóng dấu, để fax sang APNIC để đăng ký tên miền quốc gia .vn. Sau khi có địa chỉ tên miền rồi, NetNam mới tạo lập máy chủ email đầu tiên có tên miền Việt Nam và kết nối với Internet thế giới, vẫn qua cửa ngõ nước Úc. “Thời kỳ đó, chúng tôi chưa có kinh nghiệm lắm về cấu hình, quản lý tên miền, nên địa chỉ email của Thủ tướng là vvkiet@badinh.ac.vn thay vì vvkiet@badinh.gov.vn.”. Email đầu tiên giữa hai nguyên thủ quốc gia Việt Nam và Thụy Điển đã được thực hiện như vậy.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gửi Bức thư điện tử đầu tiên ra thế giới
“Người hùng Internet” tìm lối đi riêng
Tháng 3/1997, Chính phủ ban hành quy chế tạm thời về quản lý, khai thác và sử dụng Internet. Theo đó, chỉ doanh nghiệp nhà nước mới được cấp phép ISP. Lúc đó, NetNam chưa là doanh nghiệp mà chỉ là một Mạng dịch vụ của Viện Công nghệ thông tin. Tổng Cục Bưu điện đã cấp giấy phép tạm thời ISP cho Viện Công nghệ thông tin vào tháng 10/1997, trước khi Internet chính thức được kết nối tại Việt Nam (11/1997). NetNam trở thành doanh nghiệp nhà nước vào tháng 11/1998, và các nhà công nghệ bắt đầu hành trình kinh doanh dịch vụ Internet trong một thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm phòng điều hành mạng của Công ty NetNam
Năm 1999 đến 2000 NetNam là ISP đầu tiên tung ra gói cước dial up trọn gói tính tiền theo tháng thay vì theo phút như bình thường. Ngay sau đó gói cước này đã được thị trường đón nhận tích cực. Những năm 2002-2003, có nhiều thời điểm NetNam đứng trong TOP 2 về thị phần thẻ internet trả trước (internet prepaid), với sản phẩm nổi tiếng “thẻ Internet sinh viên”.
Nếu như NetNam được mệnh danh là người mở đường tiên phong cho thử nghiệm về mặt công nghệ để đưa Internet vào Việt Nam thì khi bước vào kinh doanh thì NetNam không có được thế thượng phong do không có lợi thế đối với đối thủ khác. Trong bối cảnh đó NetNam đã chọn hướng đi riêng cho mình, nhắm vào các đối tượng khách hàng cao cấp và “khó tính”.
Từ khi cổ phần hóa đến nay, NetNam vẫn luôn đứng vững trên con đường đã chọn và sự lựa chọn số 1 của khách hàng cũng như các đối tác và quốc tế nhờ chất lượng dịch vụ đã được khẳng định.
Hai mươi năm là một hành trình dài đối với một công ty công nghệ Internet. Hành trình đó càng đặc biệt hơn khi NetNam nảy mầm từ môi trường hàn lâm, thử thách trong môi trường kinh doanh và cạnh tranh khắc nghiệt, rồi khẳng định mình bằng sự khác biệt rất riêng, để có vị trí vững chắc trong tâm trí khách hàng, cũng như trong cộng đồng Internet Việt Nam. Tự tin với sự đặc sắc của mình, NetNam hướng tới sự phát triển bền vững và độc đáo, không chỉ ở Việt Nam mà còn hướng tới thị trường khu vực và thế giới.
Theo Dân Trí: http://dantri.com.vn/may-tinh-di-dong/internet-da-vao-viet-nam-nhu-the-nao-1418677222.htm
” Thế Giới Cloud – Nhà cung cấp dịch vụ CLOUD chuyên nghiệp tại Việt Nam “