Có 5 thành phần để tạo ra giá trị của IoT.
Đầu tiên là xác định đối tượng kết nối, là những thành phần vật lý hay những sản phẩm kết nối với Internet. Điển hình như thiết bị tiêu dùng hay các cảm biến.
Tiếp theo, sau khi được kết nối là thu thập dữ liệu từ các đối tượng và chuyển đổi thành thông tin có ích.
Ngoài việc thiết bị đã có khả năng kết nối thì phải cần đến phương tiện kết nối, bao gồm mạng truyền thống, 3G, 4G, băng thông rộng, không dây…
Nhưng để các đối tượng hoạt động hiệu quả thì cần phải có một hệ điều hành để quản lý và giao tiếp với hệ thống. Trên thực tế, một hệ điều hành IoT sẽ khó áp dụng cho nhiều mục đích hoặc ứng dụng hàng hoạt trên nhiều đối tượng. Bởi vậy có nhiều hệ điều hành khác nhau để đáp ứng nhu cầu thực tế là điều cần thiết.
So với 4 thành phần trên thì người dùng đầu cuối chỉ dành mối quan tâm của mình cho điểm cuối cùng của chuỗi, đó là ứng dụng của IoT.
Sự phát triển của IoT được thúc đẩy bởi 4 yếu tố quan trọng. Đầu tiên là cảm biến chi phí thấp, thứ hai là công nghệ di động, tiếp theo đó là phân tích dữ liệu lớn, và cuối cùng là điện toán đám mây.
Những yếu tố thúc đẩy IoT
IoT đã thay đổi kể từ năm 1970, thời đại của mainframe đã tạo ra hàng triệu máy tính lớn và hàng ngàn ứng dụng trên thị trường. Những năm 1990 sao đó là kỷ nguyên của hiệu suất, là thời kỳ hoàng kim của máy tính cá nhân và đã có hàng trăm triệu đối tượng, thiết bị và hàng chục ngàn ứng dụng được ra đời. Tiếp theo đó, sự bùng nổ trong năm 2010 của điện thoại di động và điện toán đám mây đã tác động mạnh mẽ đến toàn cảnh IoT. Làn sóng di động và đám mây đã tạo ra hàng tỷ đối tượng, thiết bị và theo đó là hàng triệu ứng dụng xuất hiện trên thị trường. Đến năm 2020 chúng ta sẽ chứng kiến sự mở rộng của xu hướng này với hàng nghìn tỷ đối tượng và sẽ có hàng chục triệu ứng dụng, đó là cách IoT sẽ phát triển.
Sự phát triển của IoT được thúc đẩy bởi 4 yếu tố quan trọng. Đầu tiên là cảm biến chi phí thấp, thứ hai là công nghệ di động, tiếp theo đó là phân tích dữ liệu lớn, và cuối cùng là điện toán đám mây.
Cảm biến giá rẻ đang trở nên mạnh mẽ và nhỏ gọn hơn bao giờ hết để có thể gắn vào bất kì đối tượng, thiết bị nào. Còn đối với doanh nghiệp thì tính di động đang trở nên rất quan trọng và tập trung tất cả mọi thứ trong một ứng dụng. Doanh nghiệp phải phát triển các ứng dụng của mình để có thể truy cập bất cứ thiết bị CNTT nào. Và khi có nhiều kết nối được thực hiện, sẽ bùng nổ dữ liệu và dẫn đến khái niệm dữ liệu lớn. Ví dụ khi nói về thành phố thông minh thì bản chất ở đây là thu thập tất cả dữ liệu từ những đối tượng kết nối và chuyển chúng thành thông tin. Dữ liệu lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những giá trị đối với đời sống thực. Và cuối cùng nơi lưu trữ, xử lý của hệ thống IoT chính là điện toán đám mây.
Tại sự kiện NetEvent 2016 diễn ra hồi tháng 5/2016 vừa qua tại Singapore với chủ đề “The IoT Will Disrupt Everything – Or Will It? You Be the Judge”, nhiều chuyên gia đã nhận định rằng điện toán đám chính là nơi tạo ra khả năng, sức mạnh cho IoT.Cảm biến giá rẻ đang trở nên mạnh mẽ và nhỏ gọn hơn bao giờ hết để có thể gắn vào bất kì đối tượng, thiết bị nào. Còn đối với doanh nghiệp thì tính di động đang trở nên rất quan trọng và tập trung tất cả mọi thứ trong một ứng dụng. Doanh nghiệp phải phát triển các ứng dụng của mình để có thể truy cập bất cứ thiết bị CNTT nào. Và khi có nhiều kết nối được thực hiện, sẽ bùng nổ dữ liệu và dẫn đến khái niệm dữ liệu lớn. Ví dụ khi nói về thành phố thông minh thì bản chất ở đây là thu thập tất cả dữ liệu từ những đối tượng kết nối và chuyển chúng thành thông tin. Dữ liệu lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những giá trị đối với đời sống thực. Và cuối cùng nơi lưu trữ, xử lý của hệ thống IoT chính là điện toán đám mây.
Cũng tại NetEvent 2016, hãng nghiên cứu Frost and Sullivan còn cho biết sẽ có khoảng 22 tỷ thiết bị IoT vào năm 2020, và trung bình mỗi hộ gia đình thời điểm đó sẽ sở hữu 10 thiết bị kết nối. Ngoài ra, đại diện hãng nghiên cứu này còn cho biết quy mô thị trường IoT vào năm 2015 là khoảng 24 tỷ USD, nhưng đến năm 2030 con số này sẽ là 79 tỷ USD, trong đó lĩnh vực vận chuyển và sản xuất sẽ có sự đầu tư vào IoT lớn nhất.
Tại Việt Nam, IoT đã được ứng dụng từ lâu dưới các hình thức tự động hóa như hệ thống điều khiển đèn giao thông, hệ thống tưới tiêu tự động… Tuy nhiên hiện chưa có ứng dụng IoT thực sự nào ảnh hưởng mạnh tới đời sống xã hội trong nước. Với giao thông đô thị thông minh, trong thời gian tới một số ứng dụng như thu phí không dừng, phạt nguội bằng camera dự báo sẽ phổ biến tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Các lĩnh vực tiềm năng như y tế điện tử, nông nghiệp thông minh, bất động sản thông minh sẽ cần thêm thời gian để có những ứng dụng IoT phù hợp.
Những thách thức của IoT
Một trong những chủ đề nóng tại Hội nghị cấp cao dành cho báo chí và các nhà phân tích khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC Press Summit) vừa diễn hồi tháng 5/2016 tại Singapore được Netevents chủ trì chính là những thách thức trong sự phát triển theo IoT.
Các chuyên gia thảo luận về IoT tại sự kiện Net Events 2016. |
Thách thức đầu tiên luôn là việc sản phẩm IoT đã đủ tốt, đủ phổ biến để triển khai trên diện rộng hay chưa. Chúng ta có thể kể đến một số tranh luận chưa có hồi kết như thách thức trong an ninh bảo mật, dữ liệu, hạ tầng kết nối cho đến các thành phần của thiết bị IoT. Ví dụ như thời lượng sử dụng pin của thiết bị IoT luôn là nỗi ám ảnh của nhà sản xuất cho đến doanh nghiệp ứng dụng.Một thách thức lớn khác hiện nay là thiếu vắng một tiêu chuẩn chung và kèm theo đó là những quy định trong vận hành, triển khai thiết bị IoT. Các tiêu chuẩn về kết nối, ưu tiên dữ liệu của thiết bị là điều quan trọng nhất trong thời điểm bình minh kỉ nguyên IoT. Đâu là hệ thống và tín hiệu được ưu tiên khi có rất nhiều đối tượng cùng vận hành?
Điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống truyền hình thông minh Netflix và máy điều hòa nhịp tim của người lớn tuổi trong nhà đang cố gắng gửi tín hiệu ra ngoài vào cùng một thời điểm. Một ví dụ điển hình để chứng minh rằng cần có các tiêu chuẩn nhằm xác định dữ liệu nào là quan trọng trong cùng hệ thống mạng
Đây là thực sự vấn đề lớn thúc đẩy việc phải sớm thiết lập một tiêu chuẩn chung cho mọi thiết bị IoT. Nhưng trước khi các tổ chức chính thống của ngành công nghệ đưa ra tiêu chuẩn chung thì nhiều liên minh doanh nghiệp đã thực hiện điều này. Hiện nay IoT có khoảng hơn 5 “chuẩn” và trước khi được thống nhất thì các doanh nghiệp hiện nay vẫn đang còn phân vân trước việc đầu tư vào một hệ thống đang còn nhiều biến động.
Sau tiêu chuẩn sẽ là quy định. Xe tự lái hiện đang là cơn sốt của giới công nghệ nhưng vấn đề quan trọng nhất ở đây lại là quy định. Ai sẽ là người trả tiền bảo hiểm nếu có tai nạn? Đó phải là người trong xe hay là nhà sản xuất ? Hoặc có thể là nhà phát triển phần mềm? Vì thế, đối với IoT sẽ có rất nhiều quy định cần giải quyết khi liên quan đến nhiều ngành.
Nhưng thách thức về công nghệ và chính sách chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Một điều quan trọng hơn tất cả chính là tính khả thi trong kinh doanh và sự đón nhận của thị trường. Vậy mô hình kinh doanh nào dành cho IoT?
Chúng ta cần phải nhận thức là IoT hay công nghệ IoT không phải là cuộc cách mạng. Cách thức và mô hình kinh doanh mà IoT mang đến mới tạo ra cuộc cách mạng. Doanh nghiệp cần phải làm gì để tham gia vào thị trường và làm thế nào để xây dựng các mô hình kinh doanh hiệu quả? Ai sẽ là người tài trợ cho các dự án IoT? Phương thức nào đem lại lợi nhuận khi đầu tư vào các thiết bị kết nối này?
Các mô hình kinh doanh với trọng tâm phải luôn tạo ra những trải nghiệm có giá trị cho người dùng. Giá trị bao gồm các hoạt động nhằm vào mục tiêu tăng sức bán của doanh nghiệp và khuyến khích sự chi trả của khách hàng luôn là trái tim của bất kỳ mô hình kinh doanh nào. Trong lĩnh vực sản phẩm truyền thống, tạo ra giá trị có nghĩa là xác định dài hạn nhu cầu khách hàng và đưa ra giải pháp tốt nhất.
Nhưng trong thế giới kết nối, sản phẩm thiết bị phần cứng không còn là công cụ duy nhất mang đến lợi nhuận. Nhờ vào khả năng tự động cập nhật, phần cứng của thiết bị IoT sẽ có vòng đời sản phẩm dài hơn khi người dùng thường xuyên được trải nghiệm những tính năng mới.
Còn đối với doanh nghiệp, thiết bị kết nối cũng mang đến khả năng theo dõi các sản phẩm của mình để từ đó tổng hợp, phân tích dữ liệu nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.
Một loạt các sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ như thiết bị cảm biến nhiệt Nest đến bóng đèn Philips Hue là những ví dụ điển hình trong việc tạo ra các giá trị mới của IoT.
Kinh doanh trong thế giới kết nối không chỉ giới hạn từ bán sản phẩm vật lý, các nguồn doanh thu khác trở nên nổi bật sau khi sản phẩm được bán ra bao gồm các dịch vụ giá trị gia tăng và ứng dụng kèm theo…
Cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực IoT tại Việt Nam
Trong khi đó tại Việt Nam, các hệ thống IoT hiện có đều là của doanh nghiệp nước ngoài, và doanh nghiệp trong nước mới chỉ tập trung vào các ứng dụng trên nền tảng di động, máy tính và chưa khai thác hết tính thông minh của các hệ thống cảm biến hay khai thác dữ liệu lớn. Và đặc biệt các thiết bị phần cứng thì hầu hết là hàng nhập khẩu như camera, thiết bị RFID, các cảm biến hóa học.
Theo mô hình hệ sinh thái CNTT-TT, ngành công nghiệp CNTT tại Việt Nam với các nhà cung cấp thành phần cho hạ tầng truyền thông có các tên tuổi như Cisco, IBM, HP, Dell…
Tiếp theo đó là các doanh nghiệp vận hành khai thác hạ tầng truyền thông của Việt Nam như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT đã và đang làm tốt vai trò của mình.
Như vậy, cơ hội cho các start-up công nghệ, doanh nghiệp CNTT muốn tham gia thị trường IoT gồm các nhà cung ứng dịch vụ, ứng dụng, nội dung…
Giải pháp IoT không chỉ là phần mềm, phần cứng tiêu chuẩn (máy tính, điện thoại) mà còn là các phần cứng đặc thù như camera, RFID, cảm biến môi trường… Có thể thấy, các hệ thống này liên quan tới nhiều ngành khác như vật liệu, hóa học, sinh học, vật lý, y tế… và đây là cơ hội cho các ngành khoa học công nghệ tại Việt Nam phối hợp để tạo ra những ứng dụng hữu ích.
PC WORLD VN, 07/2016
” Thế Giới Cloud – Nhà cung cấp dịch vụ CLOUD chuyên nghiệp tại Việt Nam “